Chat zalo

Tác dụng của Omega 3 là gì? Lạm dụng Omega 3 dẫn tới hậu quả ra sao?

Tác dụng của Omega 3 là gì? Mặc dù được quảng cáo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, song rất nhiều người vẫn còn “lơ mơ” khi nói về công dụng của loại acid béo này. Để làm rõ hơn lợi ích cũng như cơ chế tác động của chúng, hãy theo dõi bài viết của Nhà thuốc Hà Nội nhé!

1. Omega 3 là gì?

Omega 3 thuộc nhóm chất béo không no, có lợi cho sức khỏe của con người. Chúng là những acid béo cơ thể không tự sản sinh mà phải bổ sung qua ăn uống hoặc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng.

Omega 3 được chia thành nhiều loại, nhưng chỉ có 3 trong số chúng là có tác động tới sinh lý học của con người.

Gồm:

  • DHA (Docosa Hexaenoic Acid)
  • EPA (Eicosa Pentaenoic Acid)
  • ALA (Alpha Lipolenic Acid)

Mỗi loại có cấu tạo, chức năng riêng biệt.

tac-dung-cua-omega-3-3
Nguồn gốc khác nhau dẫn tới tác dụng của Omega 3 cũng khác nhau.

1.1. DHA

Công thức hóa học: C22H30O2

Là Omega 3 có nguồn gốc từ động vật. DHA được tìm thấy rất nhiều trong chất xám và võng mạc mắt.

Trong giai đoạn vàng 0~3 tuổi, bổ sung đầy đủ DHA giúp bé thông minh, mắt sáng, nhanh nhẹn hơn so với những trẻ không được bổ sung đầy đủ.

1.2. EPA

Công thức hóa học: C20H30O2

Dạng acid béo này cũng có nguồn gốc từ động vật. Chúng thường đi chung với DHA, vừa hoạt động độc lập, vừa có khả năng tăng cường hiệu quả của DHA.

Tác dụng của Omega 3 EPA thường được ví như một hoạt chất chống viêm tự nhiên, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể trước những tác động xấu từ môi trường bên ngoài.

1.3. ALA

Công thức hóa học: C18H30O2

Đây là dạng Omega 3 phổ biến nhất trong tự nhiên và được tìm thấy chủ yếu trong thực vật.

Trong cơ thể, ALA chủ yếu được chuyển hóa thành năng lượng, duy trì mọi hoạt động sống. Một phần rất nhỏ của chúng được chuyển hóa thành các dạng hoạt tính sinh học khác của Omega 3 là DHA & EPA.

Tuy nhiên, vì tỉ lệ này rất nhỏ nên chúng ta cần cân bằng thực đơn giàu acid béo từ cả động vật lẫn thực vật.

tac-dung-cua-omega-3
Omega 3 có tác dụng như thế nào tới sức khỏe?

>> Chi tiết: Omega 3 là gì & cách bổ sung hiệu quả nhất

2. Tác dụng của Omega 3

2.1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Cả EPA, DHA & ALA đều được chứng minh có tác động tốt tới hệ tim mạch của người:

  • Giảm nồng độ chất béo trung tính (Triglyceride) trong máu
  • Loại bỏ cholesterol xấu
  • Tránh đông máu
  • Giảm mảng bám động mạch (nguyên nhân dẫn tới bệnh tim)
  • Cải thiện sức khỏe động mạch
  • Hỗ trợ kiểm soát huyết áp
tac-dung-cua-omega-3-4
Tác dụng của thuốc Omega 3 với bệnh tim mạch.

2.2. Cải thiện trí não, khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin

Tác dụng của Omega 3 (đặc biệt là DHA) cực kì quan trọng cho sự phát triển của não bộ trước và sau khi sinh. Theo các công bố, DHA chiếm tới 40% hàm lượng acid ebeso không bão hòa đa trong não bộ.

Trong gia đoạn 0~3 tuổi, não của trẻ phát triển rất nhanh, đạt trọng lượng bằng 80% não bộ của người trưởng thành. Bổ sung Omega 3 trong giai đoạn này giúp IQ của trẻ tăng khoảng 8.3 điểm so với những bé thiếu hụt, không được bổ sung.

tac-dung-cua-omega-3-1
DHA cực kì quan trọng trong những giai đoạn phát triển đầu đời của bé.

Bên cạnh đó, DHA giúp tăng độ nhạy dẫn truyền xung thần kinh, liên kết chặt chẽ các nơ-ron. Đây là lí do tại sao trẻ được cung cấp Omega 3 từ khi còn trong bụng mẹ có nhiều ưu thế hơn:

  • Cứng cáp hơn
  • Ghi nhớ nhanh hơn nên biết lẫy, bò, đi, nói chuyện sớm hơn
  • Khả năng vận động và ngôn ngữ phát triển hơn
  • Tiếp thu và xử lý vấn đề nhanh
  • Giảm nguy cơ tự kỉ, chậm phát triển, thiểu năng

Bên cạnh đó, EPA giống như một chất xúc tác giúp cơ thể hấp thụ DHA tốt hơn (đặc biệt trong giai đoạn thai kì, khi bé chỉ có thể hấp thụ dưỡng chất qua mẹ).

2.3. Cải thiện thị lực

Không chỉ là thành phần quan trọng của não bộ, DHA còn chiếm tới 60% trong cấu trúc võng mạc (nơi điều khiển mọi hoạt động của mắt). Vậy, tác dụng của Omega 3 với thị lực như thế nào?

Những người bổ sung thường xuyên các loại thực phẩm giàu Omega 3, dầu cá,.. cho thấy tỉ lệ mắc các bệnh/tật về mắt như:

  • Cận/loạn thị
  • Quáng gà
  • Thoái hóa điểm vàng
  • Đục thủy tinh thể
  • Khô giác mạc
  • Viêm nhiễm
  • V..v..

Thấp hơn rất nhiều so với nhóm người ít hoặc không bổ sung Omega 3.

tac-dung-cua-omega-3-5
Mắt tinh anh với Omega 3.

2.4. Tăng cường hệ miễn dịch

Theo nghiên cứu, các loại acid béo trong dầu cá làm tăng quá trình sản xuất cytokine (điều hòa hoạt động, tương tác giữa các tế bào) và eicosanoids (chất trung gian chống viêm, gây viêm).

Bên cạnh đó, dầu cá kết hợp với Astaxanthin (chất chống oxy hóa) giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch lên nhiều lần.

Trong tự nhiên, cá hồi là loài cá chứa cả dầu cá & Astaxanthin.

tac-dung-cua-omega-3-6
Cá hồi: loại thực phẩm với giá trị dinh dưỡng và hương vị thơm ngon, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe.

2.5. Tác dụng của Omega 3: Giảm lo âu, căng thẳng

Acid béo này có tác dụng xoa dịu thần kinh, giảm lo lắng bồn chồn và stress não bộ.

Những bé được bổ sung Omega 3 đây đủ cho thấy: chúng ít bị stress khi mới đến trường, ít quấy khóc, rối loạn hành vi – cảm xúc,… hơn.

tac-dung-cua-omega-3-7
Thần kinh căng thẳng, làm việc quá sức dẫn tới stress.

2.6. Hỗ trợ điều trị các bệnh về thần kinh

Trầm cảm, tự kỉ, Alzheimer,.. đều là những chứng bệnh đang ngày càng phổ biến. Với khả năng tăng cường trí nhớ, xoa dịu thần kinh, nhiều nghiên cứu cho thấy Omega 3 có tác động tích cực trong việc cải thiện và hỗ trợ điều trị các bệnh trên.

2.7. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Ngủ không đủ là nguyên nhân dẫn tới nhiều tác động tiêu cực như:

  • Béo phì
  • Stress
  • Trí nhớ & hiệu quả học tập – công việc giảm sút
  • Gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh về tim mạch, thị lực
  • V..v..

Omega 3 có tác dụng cải thiện, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn. Một giấc ngủ đầy đặn giúp bạn khôi phục thể lực, não bộ sau một ngày dài mệt mỏi.

tac-dung-cua-omega-3-8
Tác dụng của Omega 3 trong cải thiện chất lượng giấc ngủ.

2.8. Cải thiện làn da

Các acid béo không chỉ tác động tới não bộ và thị lực, chúng còn hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe làn da.

Bổ sung Omega 3 đầy đủ giúp:

  • Làn da khỏe mạnh, hồng hào
  • Tăng cường tái tạo collagen, giảm nếp nhăn và ngăn ngừa lão hóa
  • Hỗ trợ và điều trị các vấn đề về mụn: viêm sưng, thâm, sẹo,..
  • Làm trắng da
tac-dung-cua-omega-3-9
Làn da khỏe mạnh nhờ tác dụng của Omega 3.

2.9. Ngăn chặn gan nhiễm mỡ

Fastfood, nước ngọt, bánh kẹo, đồ chiên rán,… luôn là món khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, chúng lại là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều bệnh, trong đó có gan nhiễm mỡ.

Omega 3 giúp cơ thể đốt cháy mỡ thừa hiệu quả hơn khi hoạt động, giảm mỡ trong gan cũng như tình trạng viêm nhiễm khi đã mắc bệnh.

2.10. Cải thiện khả năng sinh sản ở cả nam & nữ

Theo các chuyên gia: Bổ sung đầy đủ Omega 3 giúp tăng số lượng tinh trùng cũng như khả năng di chuyển, sức khỏe của chúng.

Đối với phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn mang thai, bổ sung đầy đủ DHA – EPA – ALA giảm các triệu chứng tiền sản giật, sinh non, sinh con thiếu cân, v..v..

2.11. Ngăn ngừa các bệnh về xương

Theo thống kê, các bệnh về xương khớp chiếm 35% dân số. Và đây là con số từ những năm 2017, cho tới nay, con số này chắc chắn còn tăng thêm, bởi chế độ ăn của người Việt thường thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như canxi, vitamin D & Omega 3.

Các chất này tác động tới nhau theo “đường một chiều”:

  • Omega 3: giúp cơ thể hấp thu Vitamin D tốt hơn.
  • Vitamin D: tăng cường hấp thu và lắng đọng canxi trong xương
  • Canxi: tạo sự vững chắc của hệ xương

Bên cạnh đó, tác dụng của omega 3 còn tăng sự đàn hồi giữa các khớp, giảm chấn thương tốt hơn.

tac-dung-cua-omega-3-10
Bệnh xương khớp ngày càng phổ biến và “trẻ hóa”. Cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để ngăn chặn và cải thiện các tình trạng này.

2.12. Omega 3 có tác dụng gì khác không?

Ngoài những lợi ích về sức khỏe trên, cung cấp đầy đủ Omega 3 còn giúp cơ thể:

  • Tăng sức bền, tăng hiệu quả tập luyện
  • Giảm béo
  • Cải thiện triệu chứng hen suyễn, dị ứng, bệnh tự miễn dịch
  • Hỗ trợ điều trị tiểu đường
  • Chống lại các gốc tự do, chống tăng sinh (các nguyên nhân gây ra ung thư)
  • Giảm tăng động, rối loạn hành vi cảm xúc ở trẻ

3. Tác dụng phụ của Omega 3

Acid béo này mặc dù mang lại nhiều tác động tích cực tới sức khỏe nhưng việc lạm dụng, bổ sung quá liều lượng sẽ khiến phản tác dụng.

3.1. Mất ngủ

Xoa dịu thần kinh, cải thiện giấc ngủ,.. tất cả chỉ đúng khi bạn hiểu và cung cấp đủ hàm lượng. Ăn quá nhiều thực phẩm, thuốc chứa Omega 3 khiến bạn mất ngủ.

Đặc biệt với các bệnh nhân có tiền sử mắc trầm cảm, mất ngủ còn gây ra nhiều nguy cơ hơn.

Các chuyên gia khuyên rằng: nên bổ sung dầu cá Omega 3 vào buổi sáng, khi cơ thể đang ở trạng thái khỏe mạnh nhất, hoặc sau 14h chiều nếu đang mất ngủ.

tac-dung-cua-omega-3-11
Tác dụng của Omega 3 không được “bảo toàn” nếu dùng quá liều lượng cho phép.

3.2. Trào ngược, ợ hơi, hôi miệng

Trào ngược, ợ hơi, hôi miệng là những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng các sản phẩm dầu cá/dầu gan cá.

Trong một số nghiên cứu, nạp quá nhiều Omega 3 gây ra khó tiêu. Vị tanh đặc trưng của Omega 3 động vật khiến nhiều người không thích ứng được, dẫn tới buồn nôn khó chịu.

Để giảm các tác dụng phụ này, nên dùng dầu cá kèm với các bữa ăn.

tac-dung-cua-omega-3-12
Trào ngược: tác dụng phụ của Omega 3

3.3. Tăng cân

Cung cấp đủ hàm lượng Omega 3 giúp cải thiện tình trạng thừa cân, tăng hiệu quả tập luyện cũng như tốt cho tim mạch. Song, Omega 3 vẫn là một loại acid béo, bổ sung quá nhiều sẽ khiến cơ thể nhận quá nhiều năng lượng (1 thìa cafe 4,5g dầu cá = 40kcal) và dẫn tới tăng cân.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng chỉ cần sử dụng Omega 3 là có thể giảm cân, nhưng thực tế không phải. Bổ sung dầu cá + thể dục thể thao mới làm lượng mỡ thừa trong cơ thể được đốt cháy hiệu quả.

tac-dung-cua-omega-3-14
Tác dụng của Omega 3 thay đổi do bổ sung quá liều.

3.4. Ngộ độc vitamin A

Dầu cá không phải chỉ chứa DHA và EPA? Điều này đúng, nhưng nhiều người nhầm lẫn giữa dầu cá & dầu gan cá. Trong dầu gan cá, hàm lượng Omega 3 thấp hơn, nhưng chúng lại rất giàu vitamin A & D.

Ngộ độc vitamin A dẫn tới:

  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
  • Đau khớp
  • Kích ứng da
  • Tổn thương gan, suy gan

Đặc biệt là mẹ bầu đang mang thai, sử dụng dầu gan cá quá nhiều có thể dẫn tới thai dị dạng. Hãy cẩn trọng, tìm hiểu kĩ thông tin về sản phẩm.

3.5. Tiêu chảy

Đây là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng dầu cá, đặc biệt với liều cao.

Để hạn chế tình trạng này, bạn nên:

  • Giảm liều lượng sử dụng
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung kèm bữa ăn (hoặc sau ăn 30 phút)
tac-dung-cua-omega-3-2
Tác dụng của thuốc Omega 3 biến đổi khi hàm lượng vượt ngưỡng cho phép.

3.6. Xuất huyết

Dầu cá Omega 3 có tác dụng làm thông mạch máu, tránh đông máu. Vì vậy, dư thừa Omega 3 có thể dẫn tới tình trạng:

  • Chảy máu chân răng
  • Chảy máu cam

Đối với những người chuẩn bị phẫu thuật, sắp sinh nên hạn chế bổ sung dầu cá.

Nếu đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu như warfarin thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

3.7. Hạ huyết áp

Làm thông thoáng mạch máu, giảm áp lực lên tim, hạ huyết áp,.. mang lại những lợi ích đáng kể cho bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người tiền sử huyết áp thấp.

Ngoài ra, dầu cá còn tương tác với một số thuốc giảm huyết áp. Khi muốn bổ sung Omega 3, những người có vấn đề về huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận.

tac-dung-cua-omega-3-17
Bổ sung quá nhiều gây phản tác dụng của Omega 3.

3.8. Tăng đường huyết

Dư thừa Omega 3 rất có hại cho người bị tiểu đường.

Các nghiên cứu cho thấy: dùng 8g acid béo mỗi ngày làm tăng 22% đường trong máu trong 8 tuần ở người bị tiểu đường typ II.

Tất nhiên, nếu bạn cung cấp đủ và đúng liều lượng thì sẽ không gây ra những phản ứng tiêu cực này.

Theo chuyên gia, mỗi ngày sử dụng 3,9g EPA & 3,7g DHA không ảnh hưởng gì tới đường máu.

Kết luận:

1. Omega 3 tác dụng rất lớn tới sức khỏe của con người. Song, cần sử dụng đúng và đủ liều lượng để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

2. Dưới 5000mg Omega 3 mỗi ngày được xem là hàm lượng an toàn.

3. Những đối tượng như:

  • Mẹ bầu
  • Trẻ sơ sinh
  • Người mắc bệnh về huyết áp
  • Người dị ứng với dầu cá
  • Người chuẩn bị phẫu thuật
  • Người đang sử dụng các loại thuốc đông máu, chống đông máu
  • V..v..

Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng sản phẩm Omega 3.

4. Bổ sung, uống các loại thuốc Omega 3 cần kết hợp với chế độ ăn và tập luyện khoa học để đem lại kết quả tốt nhất.

tac-dung-cua-omega-3-16
Tập luyện giúp nâng cao tác dụng của viên uống Omega 3

Vậy là Nhà thuốc Hà Nội vừa cung cấp những thông tin chi tiết nhất cho bạn về tác dụng của Omega 3 cũng như những phản ứng tiêu cực của chúng khi bổ sung quá liều lượng.

Theo dõi thêm các bài viết của chúng tôi để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn.

Cảm ơn đã theo dõi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *